1. Nhu cầu về xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, và tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới nhờ vào xu hướng đô thị hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Theo nghiên cứu của BMI, Việt Nam là một trong những thị trường cận biên đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng luôn được xem là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Số liệu thống kê cho thấy chi phí cho các công trình xây dựng cơ bản chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu Chính phủ từ năm 2015 - 2018.
2.Xây dựng công nghiệp được xem là điểm sáng trong năm 2019 : trước bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng thu hẹp, cạnh tranh xây dựng các dự án nhà ở ngày càng khốc liệt hơn, trong khi Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới của khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng trong phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi 2 yếu tố: nguồn vốn FDI ổn định và làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.
3.Xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng vật liệu xây dựng mới - vật liệu xây dựng xanh được đề cao. Việc thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững hướng đến năm 2030 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất một cách chuyên nghiệp để tạo ra các công trình thông minh, từ đó nâng cao chất lượng cũng như trình độ của mình.
4.D&B (Thiết kế và Thi công) tiếp tục là mô hình mang tính cạnh tranh của các công ty xây dựng. Mô hình này thay thế phương thức truyền thống D&B&B (Thiết kế, Đấu thầu, Thi công) nhằm giảm thiểu rủi ro chậm tiến độ hoặc bị đình hoãn. Tuy nhiên, việc các ông lớn ngành xây dựng (điển hình như Coteccons, Hòa Bình…) tham gia D&B vô hình chung sẽ làm tăng tính cạnh tranh với các nhà thầu cơ điện, đòi hỏi các doanh nghiệp M&E phải chuyên nghiệp hơn từ nhân sự đến kỹ thuật.
5.Hoạt động xuất khẩu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, tỷ lệ công suất tiêu thụ so với mức sản xuất chỉ khoảng 57,4% do hoạt động xây dựng mới trong nước đang dần bão hòa. Lượng sản xuất dư thừa được dự báo sẽ xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển có nhu cầu xây dựng cao như Bangladesh, Campuchia, Philippines...
Ngoài ra, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Các doanh nghiệp kỳ vọng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2019.